Bữa Ăn Trong Cuộc Thị Hiện Niết Bàn
Thích Như Tú lược ý Phẩm Thuần Đà
Theo Bắc Truyền, Thuần Đà là một ưu-bà-tắc có nhơn duyên thù thắng, được đức Phật hứa khả sẽ thọ nhận bữa ăn do ông cúng dường. Ông đã chuẩn bị sẵn sàng các lễ vật xong, dâng lên cho Đức Thế Tôn và Tăng đoàn hầu mong có được quả báo giác ngộ, giải thoát. “Muốn xin phước lộc tương lai ở Đức Thế Tôn”.
Ông bạch với Phật rằng: “Con giống như một nông dân nghèo, ra sức cày ruộng, đất đã tốt, trâu khẻo, cỏ đã sạch, tất cả công việc chuẩn bị đã xong, chỉ còn chờ trời mưa nữa thôi”.
Đức Thế Tôn bảo Thuần Đà: “Như Lai sẽ đồng ý trừ sự nghèo cùng cho ông, mưa pháp vô thượng xuống cho ruộng thân tâm của ông để mọc mầm Diệu pháp”. Ông Thuần Đà nghe vậy thật vui mừng hớn hở.
Không ngờ đây là lần thọ thực cuối cùng của Đức Thế Tôn. Theo kinh Trường Bộ, “Sau khi dùng cơm của Thợ sắt Cunda, Thế Tôn bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết, đau đớn gần như đến chết, và Đức Thế Tôn chánh niệm tĩnh giác, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh”. Ông Thuần Đà thật đau khổ, khi nhìn thấy Đức Thế Tôn qua cái nhìn của “tịnh nhơn” thường tình. Phật thấy vậy, khuyên ông không nên buồn lòng nữa. Ông là người đầy đủ phước duyên.
Vì để cho ông có đầy đủ bố-thí ba-la-mật nên Như Lai nhận phần cúng dường cuối cùng này của ông. Đồng thời, đức Phật dạy cho Thuần Đà về hai lần Thí thực trong cuộc đời của ngài, và cả hai lần cùng đồng một quả báo.
Thứ nhất là thọ nhận xong liền chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Thứ hai là thọ nhận xong liền nhập Niết-bàn.
Nhưng Thuần Đà vẫn chưa hiểu, và bạch lại Đức Thế Tôn. Sao Đức Thế Tôn lại cho rằng hai sự cúng dường này quả báo đồng nhau? Vì theo Thuần Đà là “vị thọ thí trước” vẫn còn là chúng sanh, nhưng “vị thọ thí sau” là bực trời trong các trời. Quả thật ông Thuần Đà vẫn còn trong tư tưởng “nhược dĩ sắc kiến ngã”, cho nên phát lên lời “vị thọ thí trước là thân tạp thực, thân phiền não, thân vô thường cuối cùng; còn vị thọ thí sau là thân kim cang, không phiền não, là pháp thân chơn thường vô cùng”.
Thêm một lần nữa, Đức Thế Tôn nói với ông Thuần Đà rằng, “Thân của Như Lai đã từ vô lượng vô số kiếp chẳng thọ sự ăn uống. Vì hàng Thanh văn mà nói rằng trước thọ cháo sữa rồi sau mới chứng quả vô thượng chánh giác, nhưng chính thiệt Như Lai không ăn. Hôm nay, vì đại chúng trong hội nầy, mà Như Lai nhận sự cúng dường cuối cùng của ông. Thiệt ra Như Lai không ăn”. Này Thuần Đà, người chưa thấy Phật tánh gọi là thân tạp thực. Thân Như Lai là thường trụ, là Pháp thân.
Trong Phẩm tựa kinh Tăng Nhất A-hàm có ghi lại “釋師出世壽極短,肉體雖逝法身在” (Tuệ Sỹ dịch: Thích Tôn ra đời, sống rất ngắn. Tuy nhục thể mất, Pháp thân còn).
Dần dà, Ông Thuần Đà đã thấm nhuần giáo pháp và được khai thông trí tuệ. Lúc bấy giờ, Đại chúng đồng hoan hỉ tán thán Thuần Đà là người thế gian hi hữu, dâng cúng bữa ăn cuối cùng cho Đức Thế Tôn. Vai trò của Thuần Đà đã được đại chúng thuần hoá nâng nhân cách một người cư sĩ lên tầm cao đệ, người được Đức Thế Tôn chọn đúng thời, trước giờ phút Phật nhập Đại Niết-bàn.
Ông Thuần Đà cũng muốn tưởng thỉnh được Đức Thế Tôn trụ lại dài lâu nơi đời.
Nhưng,
Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo Thuần Đà rằng, “Ông chẳng nên nói rằng muốn đức Như Lai thường ở nơi đời mà chẳng vào Niết-bàn. Ông phải quán sát tánh tướng của hành pháp, quán sát như thế đặng “không” tam muội. Muốn cầu chánh pháp nên học pháp quán như vậy”.
Phật bảo Thuần Đà: “Ông chẳng nên nói rằng thương xót các ông mà ở luôn nơi đời. Chính vì thương xót ông và các chúng sanh mà hôm nay Phật mới muốn nhập niết-bàn. Vì sao thế? Chư Phật pháp nhĩ như vậy. Pháp hữu vi cũng thế. Nên chư Phật nói kệ:
Các pháp hữu vi,
Tánh nó vô thường,
Sanh rồi chẳng trụ
Tịch diệt là vui”.
Ông Thuần Đà muốn thấy Như Lai phải thấy được Pháp thân thường trụ. Như ngài Vĩnh Gia Đại Sư dạy: “Ảo hoá không thân tức Pháp thân. Pháp thân giác liễu vô nhất vật” vậy. Tuy hai mà một.
Cuối cùng ông Thuần Đà cũng bạch với Phật: “thật đúng như lời Thế Tôn dạy. Mặc dầu con vốn biết đức Như Lai phương tiện thị hiện nhập niết-bàn, nhưng con không làm sao ngăn được sự buồn thảm. Giờ đây tự suy xét, con lại sanh lòng vui mừng”.
Phật khen Thuần Đà!




